Hôm nay mình tiếp tục chia sẻ đến các bạn về tổng hợp các loại nhựa phổ thông trên thị trường, và thường được dùng rất nhiều trong gia công cơ khí. Và đặc biệt về sự khách nhau cũng như phân biệt đặc tính của từng loại nhựa, để từ đó các bạn biết được tính chất cơ lý hóa và ứng dụng của từng loại nhựa trong đời sống cũng như trong ngành nghề cơ khí.
Nhựa nói chung được phân biệt ra làm 2 loại chính: Nhựa nhiệt dẻo và Nhựa nhiệt cứng
I. Nhựa nhiệt dẻo:
Đây là loại nhựa sẽ bị mềm hoặc chảy ra khi đốt nóng. Chất dẻo đạt đến trạng thái mềm hoặc tan chảy được phun vào hốc khuôn trong quá trình đúc, ép. Khi nhiệt độ giảm thì nhựa dẻo sẽ đông cứng lại. Và nhựa đông cứng có thể mềm trở lại dưới tác động của nhiệt. Nhựa nhiệt dẻo có thể phân thành chất dẻo kết tinh và chất dẻo vô định hình.
Một số loại nhựa nhiệt dẻo thông dụng như: PE, PP, PVC, PS, PC, ABS, PA..
1. Nhựa Polyethylen (PE):
Có 2 loại PE : PE tỷ trọng thấp và PE tỷ trọng cao. PE tỷ trọng thấp thì mềm hơn PE tỷ trọng cao. Nó có tính đúc rất tốt. Còn PE tỷ trọng cao thì có độ cứng tốt và tính chống va đập rất cao. Có độ bền hóa học rất tốt. Không cần sấy trước khi đúc bởi vì nó không hút ẩm.
Ứng dụng:
PE tỷ trọng thấp: Dùng làm đồ đựng thực phẩm, đồ uống, lọ đựng thuốc, màng đóng gói, vỏ dây điện, đồ chơi, đồ gia dụng.
PE tỷ trọng cao: Làm túi sách hàng, túi đựng rác, Hộp đựng xà phòng bột, ống thoát nước, ống dẫn khí.
2. Nhựa Polypropylene (PP):
Loại này có trọng lượng riêng nhẹ nhất trong các loại nhựa thông
dụng. Tính chảy loãng rất tốt. Nhựa PP có hệ số co ngót lớn, nên nó có thể bị biến dạng nếu chế độ làm lạnh trong khuôn không đủ.
Ứng dụng:
Thường được dùng cho các chi tiết rất lớn hoặc các chi tiết cực mỏng. Vì nó có độ bền mỏi rất tốt, nên thường được dùng làm các chi tiết như khớp nối, bản lề chịu uốn nhiều lần.
Dùng cho chi tiết nội thất và bên ngoài của ô tô, màng bao gói thực phẩm, bồn máy giặt. Làm thùng nhựa, can nhựa, các ngăn tủ, ghế, chén tách mỏng,
đồ bếp núc.
3. Nhựa Polyvinyl chloride (PVC):
Loại nhựa khi nóng chảy thì độ nhớt cao, nhựa có tính chảy loãng kém, nhưng có tính chống ô xy hóa và kiềm. Đặc biệt chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt
Ứng dụng:
Vật liệu PVC cứng: Dùng trong nông nghiệp, ống dẫn và thoát nước, ống dây điện, lớp vách cho cabin bồn tắm, khung cửa sổ, ống nối, chụp đèn.
Vật liệu PVC mềm: Vật liệu lát sàn và vật liệu dán tường, gói thực phẩm, ống trong nông nghiệp.
4. Nhựa Acrylonitrile butadienstylene (ABS):
Đây là loại nhựa có tính đàn hồi tốt và khó vỡ và là loại nhựa vô định hình, nó ít có khả năng chịu đựng điều kiện khí hậu xấu.
Là vật liệu dễ đạt được độ chính xác kích thước và giữ được sự ổn định về kích thước, dễ thực hiện gia công tiếp theo (gia công cơ, mạ điện, hàn chảy…).
Ứng dụng:
Được dùng trong các thiết bị điện tron nội thất và thiết bị gia đình như máy tính cá nhân, máy in, máy Fax, tủ lạnh, máy điều hoà,máy hút bụi, máy trò chơi, đồ chơi, đồ thể thao, đồ giải trí.
5. Nhựa Polyamide (PA):
Đặc điểm của nhựa PA là chống va đập cực tốt và có độ bền hóa học cao, chịu được nhiệt độ thấp và cách điện tốt. Nhiệt độ nóng chảy cao, chịu nhiệt tốt. Ngoài ra nhờ có tính tự bôi trơn nên nó thường được dùng để làm các bạc đỡ của các chi tiết cơ khí.
Ứng dụng: Các chi tiết chuyển động của máy (bạc lót, bánh răng, cam ..) kẹp tài liệu hoặc bulông.
6. Nhựa Polycarbonate (PC):
Đặc điểm của loại nhựa này là có nhiệt độ chảy cao, độ nhớt cũng cao. Hệ số co ngót đúc khá nhỏ (0.5-0.8%) và
không bị ảnh hưởng bởi vị trí cổng phân phối. Ngoài ra nhựa PC có khả năng chống va đập cực tốt.
Ứng dụng:
Dùng chế tạo các chi tiết có yêu cầu về độ bền, các chi tiết chịu tải trọng động và lớn. Ngoài ra chế tạo thiêt bị máy tính cá nhân, máy in, máy Fax, điện thoại di động, đĩa cứng như CD và DVD, pha đèn xe ô tô, mặt đồng hồ, vật liệu lợp, nhà để xe, vật liệu cách âm trong xây dựng.
7. Nhựa Polystyrene (PS):
Đặc điểm là có tính chảy loãng rất tốt. Độ co ngót ít, không hút ẩm. Độ bền nhiệt tốt nên sự phân hủy nhiệt không xảy ra ngay cả khi nhiệt độ đúc quá lớn. Nhựa PS cách điện tốt và độ bền hóa học cao.
Ứng dụng:
Dùng chế tạo các chi tiết hộp nhựa trong suốt đựng thức ăn (HIPS), các bộ phận cho thiết bị điện gia dụng lớn như tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà, vật liệu cách nhiệt, bình chứa.
Như vậy, nhựa nhiệt dẻo bao gồm rất nhiều loại phổ thông trên thị trường và được ứng dụng rất rộng rãi. Các sản phẩm từ nhựa nhiệt dẻo cũng rất gần gữi với chúng ta bắt gặp thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
II. Nhựa nhiệt rắn.
Đặc điểm: Loại nhựa này mềm đi khi chịu nhiệt nhưng không tan chảy. Chất dẻo này được đùn vào phía trong hốc khuôn khi nó mềm. Vật liệu này đóng cứng chậm hơn do có phản ứng hoá học bởi sự gia tăng nhiệt độ. Chất dẻo nhiệt rắn khi bị cứng lại nó sẽ không mềm như cũ cho dù được nung nóng. Các chất dẻo nhiệt rắn đều là các loại nhựa vô định hình, một vài thứ không phù hợp với đúc phun. Chu trình đúc với các chất dẻo này là dài hơn.
Phân Loại: Nhựa nhiệt rắn thường hay sử dụng là Nhựa Epoxy (EP), và Nhựa Phenol (PF)
1. Nhựa Epoxy (EP):
Ứng dụng: Làm thùng đựng thuốc, ống, hộp, đế IC, đầu nối, chất keo, sơn, chất phủ.
2. Nhựa Phenol (PF):
Ứng dụng: Làm sản phẩm điện và điện tử, chi tiết của ô tô, thiết bị điện, các chi tiết cơ động, công tắc, gạt tàn, nắp dầu, thùng nhiên liệu, quai nồi, đĩa.
Như vậy về cơ bản mình vừa giới thiệu vềđặc điểm ứng dụng của đa phần các loại nhựa được sử dụng trong cơ khí cũng như trong đời sống hàng.
Xem thêm các dòng máy dệt bao bì của HAOYU do VINA DAITO phân phối:
Link: http://vinadaito.vn/thong-so-manh-cat-insert-cua-sandvik.html
Cám ơn tất cả các bạn đã ghé thăm blog của mình. Hãy chia sẻ nếu bài viết có thể giúp được nhiều người nhé. Chúc các bạn luôn có nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. Có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Cơ Khí Việt Nam.
Nguồn: Cơ khí thanh duy